Hồ Chí Minh toàn tập – Tập 15

96

Tập 15 bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, bao gồm những bài nói, bài viết, thư, điện văn,… (gọi chung là tác phẩm) của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 1-1-1966 đến khi Người từ biệt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đi vào cõi vĩnh hằng.

Từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam bước vào thời kỳ mới với những khó khăn, thử thách quyết liệt. Bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, giới cầm quyền Mỹ điên cuồng thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa hàng chục vạn lính viễn chinh Mỹ và chư hầu đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, cùng hơn 50 vạn lính của ngụy quyền Sài Gòn, đẩy cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên nấc thang cao nhất. Với số quân khổng lồ, được trang bị vũ khí kỹ thuật hiện đại, chúng đã thực hiện hai cuộc phản kích mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967, càn quét vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến, hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực và cơ quan lãnh đạo kháng chiến của ta ở miền Nam. Tội ác của chúng đối với đồng bào ta càng thêm chồng chất.

Để ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta. Chống Mỹ, cứu nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước.

Đánh giá đúng thực chất việc đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh trên cả hai miền Nam – Bắc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích: “Ta thấy chỗ mạnh của nó, vũ khí của nó mới, tiền của nó nhiều, nhưng ta cũng biết những khuyết điểm của nó mà là khuyết điểm lớn, cơ bản. Bây giờ tất cả thiên hạ đều chống nó, nhân dân Mỹ, thanh niên, trí thức Mỹ cũng chống nó, mà chống mạnh… Bây giờ Mỹ có 20 vạn quân ở miền Nam, nó có thể đưa thêm vào hơn nữa đến 30, 40, 50 vạn quân. Ta vẫn thắng, nhất định ta thắng” (tr.13-14). Dân tộc ta nhất định sẽ chiến thắng vì nhân dân ta rất anh hùng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, thực sự là cuộc chiến tranh nhân dân, là cuộc chiến đấu chính nghĩa; vì Đảng ta có đường lối đúng đắn; vì chúng ta được các nước xã hội chủ nghĩa anh em và cả loài người tiến bộ đồng tình ủng hộ.

Chiến tranh càng ác liệt thì tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào và chiến sĩ miền Nam càng sâu nặng. Tập 15 bao gồm nhiều điện, thư của Người chúc mừng Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chúc mừng chiến thắng của đồng bào và chiến sĩ. Chỉ bốn ngày sau khi quân dân miền Nam tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Người gửi thư khen quân và dân ta ở miền Nam đánh rất giỏi, thắng rất to.

Ngày 10-8-1968, viết Thư gửi đồng chí Lê Duẩn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị bố trí để Người “đi thăm khi anh em trỏng đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em” (tr.437).

Khi đế quốc Mỹ phải tạm ngừng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Người tuyên bố: “Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc.

Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi” (tr.512).

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phẩm cuối của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập. Đây là một văn kiện lịch sử hết sức quan trọng, được Người chấp bút từ năm 1965, khi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ cả nước sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm lần thứ 75 sinh nhật của Người. Di chúc được Người bổ sung qua các năm 1968, 1969, được Đảng và Nhà nước ta chính thức công bố trong lễ truy điệu của Người.

Tin tưởng vào sự tất thắng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Di chúc khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn” (tr.618).

Cả cuộc đời phấn đấu hy sinh vì nước, vì dân, Di chúc đã chỉ dẫn những công việc cực kỳ hệ trọng có tính định hướng cho sự phát triển của đất nước, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi” (tr.616). Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (tr.611-612).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những công việc đối với con người sau chiến tranh phải bằng các chính sách kinh tế – xã hội cụ thể, thiết thực. Người “đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất” (tr.617). Đối với cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong đã hy sinh một phần xương máu cho kháng chiến, Người nhắc nhở: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”” (tr.616). Đối với cha mẹ, vợ con liệt sĩ “phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét” (tr.616). Đối với những nạn nhân của chế độ cũ, “phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện” (tr.617).

Quan tâm sâu sắc vấn đề “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, Người đề nghị: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”” (tr.612); cần chọn một số thanh niên ưu tú, những chiến sĩ trẻ tuổi đã tham gia các lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong “cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta” (tr.616-617).

Về việc xây dựng đất nước sau chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đó là “một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” (tr.617).

Về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” (tr.623).

Ngoài những nội dung lớn trên đây, tập 15 còn bao gồm một số bài trả lời phỏng vấn báo chí, nhiều điện, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ, nhân dân các địa phương, các chính khách, bạn bè quốc tế, thể hiện quan điểm, tình cảm và hoạt động phong phú của Người. Tập này cũng đăng toàn văn Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-9-1969. Điếu văn khẳng định cống hiến vĩ đại của Người đối với Đảng ta, dân tộc ta và khẳng định lời thề của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm đưa ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thắng lợi cuối cùng lúc vĩnh biệt Người.

Trong lần xuất bản này, tập 15 Hồ Chí Minh Toàn tập, bao gồm toàn bộ những tác phẩm của Người đã được công bố trong tập 12 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ hai và bổ sung 41 tác phẩm mới sưu tầm được.

Mặc dù có nhiều cố gắng, song lần xuất bản này không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc để lần xuất bản sau được tốt hơn.

Link tải sách:

HỘI ĐỒNG XUẤT BẢN
HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP LẦN THỨ BA