Tập 7 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, bao gồm những bài nói, bài viết, thư từ, điện văn,… (gọi chung là tác phẩm) của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 1-1-1951 đến cuối tháng 12-1952.
Sau thất bại ở chiến dịch Biên giới, thực dân Pháp tăng cường nỗ lực quân sự để giành lại quyền chủ động chiến lược đã mất. Tháng 12-1950, Chính phủ Pháp cử tướng Đờ Lát đờ Tátxinhi (De Lattre de Tassigny) sang làm Tổng chỉ huy kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Kế hoạch Đờ Tátxinhi là một kế hoạch bình định gấp rút kết hợp với phản công quyết liệt, thể hiện sự cố gắng lớn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ với âm mưu đè bẹp lực lượng kháng chiến, kết thúc nhanh chiến tranh.
Nội dung tập 7 thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược và những chủ trương đối nội, đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng Đảng ta lãnh đạo toàn quân, toàn dân đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở giai đoạn thứ ba là giai đoạn chuyển mạnh sang tổng phản công.
Tập 7 tập trung nhiều tác phẩm thể hiện chủ trương xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân sự là việc chủ chốt trong kháng chiến” (tr. 29). Theo Người, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, phải chú trọng xây dựng và phát triển quân đội: “Chúng ta phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật tự giác của bộ đội ta. Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân. Đồng thời, phải phát triển và củng cố dân quân du kích về mặt: tổ chức, huấn luyện, chỉ đạo và sức chiến đấu. Phải làm cho lực lượng của dân quân du kích thành những tấm lưới sắt rộng rãi và chắc chắn, chăng khắp mọi nơi, địch mò đến đâu là mắc lưới đến đó” (tr. 37).
Ngoài những vấn đề chủ yếu nêu trên, bạn đọc có thể còn tìm thấy trong tập này nhiều quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, dân tộc, tôn giáo; công tác chỉnh Đảng; lý luận và thực hành… Người có sự phân biệt rất rõ về đạo đức cũ và đạo đức mới: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời. Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân” (tr. 220). Nói về chỉnh Đảng và công tác cán bộ, Người khẳng định: “Cán bộ quyết định mọi việc… Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí” (tr. 415).
Các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố trong tập này là một phần di sản quý giá của Người, phản ánh tư tưởng và tấm gương của lãnh tụ tận trung với nước, với Đảng, tận hiếu với dân. Trong khi ngày đêm trăn trở với cuộc kháng chiến của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên gửi thư Trung thu cho các cháu, làm thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước, viết bài điếu khi một cán bộ cao cấp của Đảng hy sinh, gửi thư cho những người Pháp hồi hương, v.v.. Nội dung tập 7 Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, làm rõ thêm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người cách mạng có ý chí và quyết tâm cao độ trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời có lòng nhân ái bao la, muôn vàn tình thương yêu với bộ đội, chiến sĩ, đồng bào, thương bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, những người đang từng giờ, từng phút chịu nhiều đau khổ và hy sinh do thực dân Pháp gây ra.
Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, xuất bản lần thứ ba, ngoài các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được công bố trong tập 6, xuất bản lần thứ hai, còn được bổ sung thêm 53 tác phẩm mới được sưu tầm, khai thác từ các kho lưu trữ ở trong nước.
Phần Phụ lục, ngoài danh mục Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký trong năm 1951, 1952 và ba bài trong tập 6 xuất bản lần thứ hai, có bổ sung bài Bàn về mâu thuẫn, do Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật) xuất bản năm 1952.
Tuy đã có nhiều cố gắng, song lần xuất bản này vẫn không tránh khỏi thiếu sót, mong bạn đọc góp ý để lần xuất bản sau được tốt hơn.
Link tải sách:
HỘI ĐỒNG XUẤT BẢN
HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP LẦN THỨ BA