Nguyễn Đình Giang – nhân vật không còn xa lạ trong cộng đồng sinh viên ĐH Ngoại thương Cơ sở 2 khi anh sở hữu một profile cực “khủng”, được tô điểm bởi hàng loạt giải thưởng từ các cuộc thi lớn nhỏ cùng với thành tích học tập cũng đáng nể không kém. Cùng “nghía” qua xem profile thời sinh viên của “chàng trai xứ Dừa” này có gì đặc biệt nhé!
Họ và tên: Nguyễn Đình Giang
Khóa lớp: K51B
Chuyên ngành: Tài chính quốc tế
Thành tích nổi bật: Quán quân cuộc thi Tìm kiếm Bản lĩnh sinh viên Ngoại thương – FTUer It’s me 2013
Á quân Young Marketer 2015
Giải ba Tiếng hát Sinh viên Ngoại thương FTU Shine 2015
Nguyên Chủ nhiệm ACTION Club – Câu lạc bộ Kỹ năng doanh nhân
Tốt nghiệp loại Giỏi ngành Tài chính Đại học Ngoại thương CSII
Chân dung chàng Quán quân FTUer It’s me 2013
Với những thành tích và cống hiến đáng nể, Đình Giang đã chứng minh được tài năng và bản lĩnh của sinh viên Ngoại thương. Chính vì vậy, chuyên mục “Gương mặt FTU” kỳ này, Cơ sở II Đại học Ngoại thương xin được giới thiệu những thông tin rất thú vị về nhân vật thường được gọi là “con nhà người ta” này, được chính anh chia sẻ cùng FTU Zone qua bài phỏng vấn nhỏ sau đây.
Chào anh, cái tên Nguyễn Đình Giang khá nổi tiếng trong cộng đồng sinh viên FTU2, được biết anh đã từng là chủ nhiệm của ACTION Club – CLB Kỹ năng doanh nhân, thêm vào đó là những giải thưởng lớn từ các cuộc thi dành cho sinh viên như giải nhất cuộc thi FTUer – It’s Me và đặc biệt là thành tích Thủ khoa đầu ra ngành Tài chính của FTU2. Vậy anh có thể chia sẻ cách anh đã sắp xếp thời gian cũng như phương pháp học tập của mình như thế nào được không ạ?
Có một quy tắc về thời gian anh rất tuân thủ trong quá trình học tập và làm việc của mình, anh gọi là “Quy tắc 2 phút” của tác giả David Allen trong cuốn sách Get Things Done. Hiểu nôm na quy tắc này là: “Hễ việc gì lặt vặt chưa tốn đến 2 phút của anh thì anh sẽ làm để dứt điểm nó ngay” (Quy tắc 1) và “Với những công việc anh dễ trì hoãn, thì anh thường sẽ bắt mình thực hiện nó liên tục trong 2 phút đầu tiên” (Quy tắc 2). Quy tắc 1 thì dễ hiểu rồi. Còn Quy tắc 2 thì vai trò của nó là giúp anh tạo “bước đà” cho các nhiệm vụ, nhất là các loại nhiệm vụ “nằm ngoài vùng thoải mái” của mình – vì đây là những công việc dễ đưa chúng ta vào trạng thái lười và chây ì nhất. Có lẽ nhờ quy tắc này mà anh nghĩ là anh đã làm được nhiều thứ, học được nhiều thứ, trải nghiệm được nhiều thứ trong suốt 4 năm của quãng đời sinh viên.
Còn về học tập thì anh tự nhận là anh cũng không học quá xuất sắc đâu (cười hì hì). Quan điểm của anh là việc học tập để luyện tập tư duy, nhất là tư duy logic (logic thinking) và tư duy phản biện (critical thinking) – hai thứ tư duy quan trọng nên được phát triển từng ngày của một người. Học cũng giống như cho “não” mình đi “tập gym” vậy. Càng rèn giũa cho hoạt động tư duy nhiều, não càng phát triển và mình sẽ trưởng thành hơn về mặt nhận thức.
Bởi vậy mặc dù tham gia khá nhiều các hoạt động sinh viên, và bản thân cũng đeo đuổi một niềm yêu thích khác là Marketing, nhưng chưa bao giờ anh xem nhẹ việc học ở trường, đặc biệt là ngành Tài chính của anh.
Và rồi sau ngần ấy năm miệt mài thì kết quả cũng mỹ mãn.
Được biết anh là người rất năng động, đặc biệt là trong việc tham gia các cuộc thi lớn nhỏ, vậy đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh trong quá trình chinh phục những cuộc thi này?
Anh cũng vừa tự mình ngồi đếm lại thì thấy thời sinh viên mình thi không dưới 15 cuộc thi lớn nhỏ thuộc đa dạng các lĩnh vực: du lịch, môi trường, tin học văn phòng, ca hát, gameshow truyền hình, trí tuệ, marketing, v.v… Đó là chưa kể có những cuộc thi anh thi lại nhiều lần qua các năm (mà vẫn rớt – cười).
Lao mình vào các cuộc thi, cọ xát với những tài năng khác, anh càng thấy bản thân mình nhỏ bé rất nhiều. Bù lại, mỗi cuộc thi cho anh “cái quyền” được cứng cỏi hơn, sâu sắc hơn, trưởng thành và hiểu mình hơn hơn rất nhiều. Với anh, giai đoạn 18 – 22 tuổi là giai đoạn bản lề đẹp nhất của đời người, mà ở đó, các cuộc thi sinh viên là một thứ “đặc sản” mang lại những nét chấm phá đặc sắc. Nếu được khuyên các bạn sinh viên, thì anh khuyên là các bạn đừng ngần ngại nếm các món “đặc sản” rất riêng ấy, trầm mình vào cái “quyền lợi” rất đặc trưng ấy trong giai đoạn này của các bạn. Thời sinh viên ngắn ngủi lắm, thì dại gì từ chối những cơ hội tuyệt vời để mình lớn lên. Có phải không?
Nếu phải kể về kỷ niệm trong quá trình “chinh phục” các cuộc thi thì anh vẫn còn nhớ sâu đậm khoảng thời gian với Tìm kiếm Bản lĩnh sinh viên Ngoại thương – FTUer It’s me 2013. Đây là cuộc thi đầu tiên anh thi ở thời sinh viên của mình, cũng là cuộc thi mang lại cho anh bước chuyển lớn về cách nhìn nhận về chính bản thân. Đó là quãng thời gian dài những đêm không ngủ chỉ để suy nghĩ ý tưởng từng câu thoại cho vòng thi tài năng, là những ngày học phát âm từng chữ tiếng Hàn trong bài Gangnam Style muốn lẹo lưỡi, là cái tuần gần như đuối sức trước đêm chung kết khi phải tập dượt quá nhiều tiết mục, là những đêm thức tới tận sáng chỉ để “chat” với ông anh với nỗi thất vọng vì không rõ bản thân mình thực sự là ai, có chất gì nổi trội để thể hiện với mọi người, v.v… Để rồi sau tất cả những oằn mình đó, vẫn lại thấy một Đình Giang “xứ Dừa Bến Tre” bé nhỏ, tuy có “bơ phờ” hơn nhưng mạnh mẽ hơn bên trong rất nhiều.
Còn với những sân chơi học thuật khác trong thời sinh viên, chặng đường nào để lại trong anh nhiều dấu ấn nhất?
Đó chắc không còn là nơi nào khác ngoài Young Marketers.
Không chỉ là một cuộc thi, đó là một hành trình 9 tháng 10 ngày đủ dài, đủ mồ hôi, đủ nước mắt để thực sự cho cuộc đời anh một “bước nhảy” lớn.
Với những bạn sinh viên, anh mong là các bạn cũng sẽ luôn chuẩn bị đầy đủ tâm thế vững vàng cho những ngã rẽ, tích đủ về “lượng” để có những bước nhảy về “chất” đầy chắc chắn và thực sự ý nghĩa.
Hãy dám đâm đầu vào những cơ hội mà mình đủ tin là sẽ cho mình những “bước nhảy” lớn, chiến đấu hết mình với nó để thấy cuối hành trình là những cầu vồng rất đỗi lung linh.
Anh có thể bật mí đôi điều về những dự định sắp tới của mình trong tương lai không ạ?
Tiếp tục “học và dụng” marketing, là ngành nghề mà anh đang theo đuổi.
Bên cạnh đó anh sẽ có những dự án làm cùng những người bạn thân, mà anh gọi là để “phụng sự cộng đồng”. Anh thích “cho đi”, cũng không mong nhận lại. Vì chính sự “cho đi” cũng là cách để bản thân nhận được những hạnh phúc rất riêng rồi. Chờ xem nhé!
Anh có thể gửi một vài lời khuyên cho các thế hệ sinh viên đang và sẽ trở thành FTUers không ạ?
Anh nghĩ phần lớn các bạn đều sẽ gặp những cơn “đại địa chấn” khủng hoảng tuổi 20, tùy mỗi người mà “cường độ richter” mạnh yếu khác nhau.
Khi đó, vài cuốn sách sau có thể giúp được các bạn:
– Kỹ năng đi trước đam mê (Cal NewPort)
– Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu (Rosie Nguyễn)
– Nhà giả kim (Pauco Coelho)
Đừng có trăn trở nhiều về hai chữ “đam mê” rồi có một khoảng thời gian “mắc kẹt” như anh. Cứ làm hết mình với những công việc bạn được giao, sống hết mình với những cơ hội bạn có, tĩnh tại mà nghe theo những tiếng gọi dù nhỏ bé của trái tim, kỹ năng sẽ dần được tích lũy và đam mê sự nghiệp sẽ dần được thành hình. Sứ mệnh cũng từ đó mà le lói.
4 năm ở Ngoại thương vậy mà ngắn ngủi lắm. Làm gì làm, miễn là sau 4 năm nhìn lại, không tiếc từng giây từng phút mình đã đi qua. Đừng như anh, còn tiếc rất rất nhiều điều.
Cảm ơn anh đã dành thời gian cho bài phỏng vấn của FTU Zone! Chúc anh ngày càng thành công hơn nữa trong cuộc sống và những dự án tiếp theo của mình.
Tuấn Huy – Quang Huy – Minh Nguyệt