Theo đánh giá của chuyên gia, tác hại của việc sử dụng rượu, bia là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mỗi người. Tình trạng lạm dụng rượu, bia cũng tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, y tế, giáo dục, an toàn giao thông và làm gia tăng các vấn đề xã hội.
Thời gian qua, việc thực hiện quyết liệt công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có ngày nghỉ” trong xử lý vi phạm nồng độ cồn, bước đầu đã hình thành thói quen của người tham gia giao thông “đã uống rượu, bia, không lái xe”.
Chia sẻ về việc cấp cứu những bệnh nhân gặp tai nạn do bia, rượu, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra đã gây thương vong cho nhiều người. Thực tế tại Việt Nam, khi bị TNGT, rất nhiều trường hợp chưa được tận dụng triệt để khoảng thời gian “giờ vàng”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nạn nhân TNGT được sơ, cấp cứu trước khi đến bệnh viện còn thấp là do rất nhiều trường hợp tai nạn xảy ra ở xa khu vực dân cư, trên tuyến quốc lộ, thậm chí tại vùng sâu, vùng xa. Việc sơ cứu chủ yếu do người đi đường thực hiện, không có chuyên môn y tế hoặc không có kiến thức về sơ, cấp cứu ban đầu. Số lượng nạn nhân không được sơ cứu kịp thời chiếm hơn 90%. Bên cạnh đó, sự tham gia của hệ thống cấp cứu 115 rất hạn chế nên đã vô tình tạo ra những sai sót trong quá trình cấp cứu, làm cho tình trạng nạn nhân trở nên trầm trọng hơn.
Theo thống kê, số người chết có liên quan đến rượu, bia đang có xu hướng tăng nhanh. Nguyên nhân dẫn đến TNGT trước hết do tình trạng đường sá chật hẹp, xuống cấp, số lượng xe máy và các phương tiện vận tải gia tăng nhanh chóng… Mặt khác, việc tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị TNGT khá phức tạp. Với nạn nhân uống rượu, bia, công tác này khó khăn, áp lực hơn, nhất là cho đội ngũ y, bác sĩ. Trong đó, khó chẩn đoán chính xác bệnh ngay từ đầu hay còn gọi là bị “nhiễu” chẩn đoán. Ngoài ra, áp lực còn từ chi phí điều trị khi người bệnh không có khả năng chi trả hoặc người bệnh không có thân nhân tại thời điểm đưa vào cấp cứu. Một số bệnh nhân và gia đình người bị TNGT khi vào bệnh viện không hợp tác để thực hiện xét nghiệm ma túy và nồng độ cồn trong máu.
Theo ý kiến của các chuyên gia, mỗi người dân cần loại bỏ những nếp nghĩ cũ, thói quen xấu, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia. Đây là tiền đề để hình thành thói quen tốt của người tham gia giao thông và tiến tới xây dựng văn hóa giao thông.
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân