Nhằm mục đích nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đồng thời đáp ứng linh hoạt với những thách thức mới đặt ra trong bối cảnh mới, vừa qua, Bộ môn Kinh doanh và Thương mại quốc tế đã tổ chức thành công chuỗi hoạt động trải nghiệm thực tế đầy ý nghĩa nhằm khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo cho đội ngũ giảng viên. Hoạt động đổi mới sáng tạo lần này không chỉ cung cấp những thông tin khoa học bổ ích, mà còn khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn, tạo ra không gian tương tác, nơi mà các giảng viên được trải nghiệm và tiếp xúc với thực tế. Qua đó hình thành một cộng đồng học thuật đa chiều, tăng cường sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại bộ môn.
To enhance teaching and scientific research capabilities, and to flexibly respond to new challenges in the evolving context, the International Business and Trade Department recently successfully organized a series of meaningful real-world experiences to encourage innovative spirit among the faculty. This innovative activity not only provided valuable scientific information but also emphasized the importance of connecting theory with practice, creating an interactive space where lecturers could experience and engage with real-world scenarios. Consequently, it has fostered a multidimensional academic community, strengthened close ties with businesses, and contributed to improving the quality of education within the department.
Mở đầu chuỗi hoạt động đổi mới sáng tạo lần này là buổi tọa đàm với chủ đề “Đổi mới chương trình đào tạo LSCM – Từ góc nhìn doanh nghiệp” cùng với Ban lãnh đạo Kho cảng PVGAS Vũng Tàu. Tham dự buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Phạm Nguyễn Quốc Cường – Quản đốc Kho cảng PVGAS Vũng Tàu, cùng các chuyên viên quản lý hệ thống kho cảng PVGAS Vũng Tàu, tại Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Về phía Cơ sở II, có sự tham dự của TS Lê Hồng Vân – Trưởng Bộ môn Kinh doanh và Thương mại quốc tế, cùng các quý thầy cô là giảng viên, trợ giảng thuộc Bộ môn KD&TMQT.
Tại buổi tọa đàm, đoàn công tác đã được lắng nghe phần giới thiệu tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của kho cảng PVGAS. Kho cảng này toạ lạc tại xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngay sát bờ sông Thị Vải, khu vực cảng nước sâu với nhiều lợi thế về địa lý và tiềm năng kinh tế. Kho cảng PVGAS được vận hành từ năm 2000, có nhiệm vụ chính là lưu trữ, xuất/nhập các sản phẩm LPG, condensate của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố; condensate của Nhà máy khí Nam Côn Sơn và nguồn LPG nhập khẩu cho các tàu và xe bồn, vận chuyển đến các hộ tiêu thụ. Đây là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền khí Bạch Hổ và Nam Côn Sơn, cung cấp 60% sản lượng LPG tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mỗi năm, góp phần duy trì thị phần kinh doanh LPG trong nước của PVGAS, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, từ năm 2013, PVGAS khánh thành và đưa vào vận hành kho chứa LPG lạnh đầu tiên và công suất lớn nhất Việt Nam với sức chứa 60.000 tấn. Tại đây, các thầy cô đã có dịp trao đổi và đặt câu hỏi về những vấn đề xoay quanh hoạt động của hệ thống kho cảng. Qua đó, giúp các giảng viên hiểu rõ hơn về vai trò và tầm quan trọng của kho cảng trong chuỗi cung ứng năng lượng của quốc gia, cũng như những thách thức và cơ hội mà ngành công nghiệp khí đang phải đối mặt. Ngoài ra, buổi giao lưu này còn là cơ hội để nhà trường và doanh nghiệp thiết lập và củng cố mối quan hệ hợp tác, mở ra những cơ hội nghiên cứu và đào tạo thực tế cho sinh viên.
Kế tiếp, ông Phạm Nguyễn Quốc Cường – Quản đốc Kho cảng PVGAS Vũng Tàu, đã giới thiệu và hướng dẫn các thầy cô trong đoàn công tác tham quan thực tế các công trình hiện hữu tại kho cảng gồm: Kho LPG định áp, kho condensate, 2 cầu cảng, trạm xuất xe bồn, kho LPG lạnh… Ông Cường nhận định rằng kho cảng có tiềm năng rất lớn nhờ lợi thế nổi bật là tổng kho LPG hiện đại, duy nhất của cả nước, sở hữu hệ thống cảng biển nước sâu. Đồng thời, đoàn công tác có dịp tham quan phòng điều khiển trung tâm kho cảng. Tại đây, các thầy cô được tìm hiểu về hệ thống điều hành tự động và các công nghệ thông tin được áp dụng trong quản lý kho cảng. Hệ thống này giúp tối ưu hóa quá trình vận hành, giảm thiểu sai sót và nâng cao hiệu quả công việc. Trong suốt chuyến đi, các giảng viên đã cùng nhau thảo luận và đặt ra nhiều câu hỏi sôi nổi cho ban lãnh đạo của PVGAS, liên quan đến vấn đề quản lý rủi ro, chiến lược phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ mới trong vận hành kho cảng. Buổi thảo luận này bên cạnh việc mang lại nhiều thông tin bổ ích mà còn giúp tạo sự gắn kết giữa các giảng viên và doanh nghiệp.
Chuyến tham quan thực tế tại kho cảng PVGAS Vũng Tàu đã mang lại nhiều bài học quý giá cho các thầy cô. Đây không chỉ là dịp để giúp nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn tạo cơ hội để các giảng viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp. Các thầy cô đều bày tỏ sự hài lòng và đánh giá cao tính thực tiễn của chuyến tham quan, đồng thời cho rằng đây là một hoạt động cần được duy trì và phát triển trong tương lai. Qua chuyến đi, các thầy cô cũng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của việc gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn trong giảng dạy, từ đó đóng góp vào sự đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo tại Bộ môn KD&TMQT. Những kiến thức thực tế từ chuyến tham quan này sẽ giúp các thầy cô có thêm nhiều ví dụ minh họa sinh động trong các bài giảng, làm phong phú và sinh động hơn nội dung giảng dạy.
Đổi mới sáng tạo không chỉ giới hạn trong các hoạt động học thuật và nghiên cứu trong nhà trường mà còn bao gồm những trải nghiệm thực tế giúp nâng cao kỹ năng mềm và sự gắn kết trong tập thể. Một trong những hoạt động kế tiếp trong chuỗi hành trình đổi mới sáng tạo của các thầy cô tại Bộ môn KD&TMQT chính là chuyến trekking trong rừng nguyên sinh Bình Châu – Phước Bửu, thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn sót lại ở Việt Nam mang trong mình nét đẹp hoang sơ và huyền bí. Trải nghiệm chính của hành trình là một phần của cung đường trekking xuyên rừng khoảng 8km. Tại đây, các thầy cô được trải nghiệm và tìm hiểu về hệ sinh thái đa dạng của khu rừng, từ các loài cây cổ thụ, động vật hoang dã đến các loại thảo mộc quý hiếm. Những kiến thức này không chỉ mở rộng hiểu biết về tự nhiên mà còn giúp các thầy cô có thêm chất liệu giảng dạy sinh động. Đoàn trekking phải vượt qua những con đường mòn gập ghềnh, leo dốc, giúp rèn luyện thể lực, nâng cao khả năng kiên nhẫn, quyết tâm và tinh thần đồng đội.
Chuyến chuyến đi khám phá và trải nghiệm thiên nhiên trong rừng nguyên sinh Bình Châu – Phước Bửu đã mang lại nhiều giá trị bổ ích và thiết thực cho các thầy cô tại Bộ môn. Đây không chỉ là một hoạt động ngoại khóa thú vị mà còn là một phương pháp đổi mới sáng tạo hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Những trải nghiệm và bài học từ chuyến đi sẽ được các thầy cô truyền đạt lại cho sinh viên, giúp các bạn có cái nhìn toàn diện và thực tiễn hơn về việc phát triển kỹ năng mềm và ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, những trải nghiệm mới lạ và thử thách trong rừng nguyên sinh đã kích thích khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, giúp các thầy cô có thêm nhiều ý tưởng mới mẻ trong công việc giảng dạy và nghiên cứu. Và hơn hết, thông qua chuyến đi lần này đã giúp các thầy cô hiểu rõ hơn về đồng nghiệp, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ và tinh thần đồng đội đoàn kết, vững mạnh.
Chuỗi hoạt động thực tế kết hợp đổi mới sáng tạo lần này của Bộ môn KD&TMQT đã mang lại nhiều giá trị bổ ích và sâu sắc. Qua những trải nghiệm thực tiễn này, các thầy cô không chỉ cập nhật và mở rộng kiến thức chuyên môn mà còn phát triển mạnh mẽ các kỹ năng mềm cần thiết trong công tác giảng dạy và nghiên cứu. Những bài học quý báu từ việc khám phá công nghệ tiên tiến tại kho cảng và sự khắc nghiệt nhưng đầy hấp dẫn của thiên nhiên hoang dã đã khơi nguồn cảm hứng, nâng cao tinh thần đồng đội và đổi mới tại bộ môn. Những kinh nghiệm và kiến thức thu được từ chuỗi hoạt động này sẽ là nền tảng vững chắc giúp các thầy cô tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, và truyền cảm hứng sáng tạo không ngừng cho các thế hệ sinh viên. Chuyến công tác lần này đã tạo tiền đề để Bộ môn tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thực tế hơn nữa, nhằm tạo điều kiện cho giảng viên cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng và gắn kết chặt chẽ hơn với thực tiễn ngành nghề. Đây cũng là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục toàn diện và bền vững của nhà trường.
Một số hình ảnh tại chuỗi hoạt động đổi mới sáng tạo của Bộ môn:
Some pictures from the Department’s series of innovation activities: