Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Cơ sở II về việc tăng cường sinh hoạt chuyên môn và nâng cao công tác trao đổi, chia sẻ giữa các giảng viên nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ngày 21/3/2018, Bộ môn Cơ sở – Cơ bản đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn với 03 chủ đề được báo cáo từ các giảng viên của BM CS-CB gồm có (1) “Một số tương đồng giữa phép biện chứng duy vật với các công cụ phân tích 4C, PEST, SWOT trong quản trị”, (báo cáo viên ThS Lý Ngọc Yến Nhi), (2) “Các vấn đề Triết học trong các kỳ Đại hội Triết học thế giới” (ThS Lê Thị Xuân Sang), và (3) “Nới lỏng định lượng (Quantitative Easing): Tổng quan về những tác động của công cụ điều tiết này đến thị trường tiền tệ và nền kinh tế (ThS Phan Nguyễn Xuân Mai).
Với chủ đề thứ nhất, báo cáo viên Lý Ngọc Yến Nhi đã cung cấp các khái niệm cơ sở về Phép biện chứng duy vật, các công cụ phân tích 4C, PEST, SWOT, xây dựng tình huống các giảng viên sẽ đóng vai nhà quản trị để đưa ra chiến lược kinh doanh qua các ví dụ cụ thể. Qua đó báo cáo viên rút ra được mối liên hệ giữa phép biện chứng duy vật với các công cụ phân tích. Bên cạnh đó, báo cáo viên nhấn mạnh, các công cụ phân tích 4C, PEST, SWOT trong quản trị là trường hợp cụ thể phản ánh nội dung, ý nghĩa các nguyên lý, quy luật, phạm trù của phép biện chứng duy vật, thể hiện vai trò của lý luận nhận thức duy vật biện chứng trong lĩnh vực kinh doanh nói riêng, kinh tế nói chung. Những chia sẻ của báo cáo viên đã giúp cho các giảng viên hiểu thêm về tầm quan trọng của việc nghiên cứu và vận dụng Triết học một cách sinh động và thiết thực vào trong giảng dạy.
Với chủ đề thứ hai, ThS Lê Thị Xuân Sang đã giới thiệu sơ lược về các kỳ Đại hội Triết học thế giới và trình bày những nội dung cơ bản của các kỳ Đại hội đó. Báo cáo viên tập trung vào hai kỳ Đại hội Triết học thế giới gần nhất là kỳ 22 diễn ra ở Hàn Quốc và kỳ 23 diễn ra ở Hy Lạp. Ở hai kỳ Đại hội này, Việt Nam đã tạo được dấu ấn trên trường Triết học thế giới bằng việc đã xây dựng được một tiểu ban độc lập (do PGS. TS Phạm Văn Đức chủ trì) và có 02 BCV là người Việt Nam tham gia báo cáo tại Đại hội, đây là một cột mốc quan trọng của giới nghiên cứu Triết học Việt Nam. Qua đó, báo cáo viên đã gợi mở những vấn đề mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 mà các nhà nghiên cứu, các giảng viên có thể quan tâm để định hướng và tư vấn cho sinh viên cách thức tiếp cận triết học một cách khoa học và chuẩn bị tâm thế tốt hơn cho hoạt động hướng nghiệp.
Trong chủ đề thứ ba, báo cáo viên Phan Nguyễn Xuân Mai đã cung cấp các khái niệm cơ sở của công cụ Nới lỏng định lượng – một công cụ của chính sách tiền tệ mở rộng phi truyền thống, mô hình hóa phương thức, nguyên lý hoạt động của Nới lỏng định lượng, cụ thể trong thực tế thực hiện của Ngân hàng Trung ương Anh. Bên cạnh đó, báo cáo viên đã lược qua lịch sử hình thành và áp dụng công cụ nới lỏng định lượng tại một số nền kinh tế trên thế giới, và mức độ hiệu quả của công cụ nới lỏng định lượng thông qua các giai đoạn thực hiện chính sách này, cụ thể ở nền kinh tế Mỹ và Anh. Những chia sẻ của báo cáo viên đã giúp cho các giảng viên của Bộ môn hiểu thêm về chính sách tiền tệ mở rộng phi truyền thống, từ đó có những thông tin thực tế và cụ thể hơn trong giảng dạy và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.
Thông qua việc minh họa số liệu, hình ảnh thực tế sinh động và trình bày cuốn hút, các báo cáo viên đã thu hút sự tập trung chú ý lắng nghe, đặt câu hỏi, trao đổi nhiệt tình và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các giảng viên trong bộ môn. Từ đó các giảng viên đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm cho việc giảng dạy, học tập, bồi dưỡng năng lực nghiên cứu của mình.
Sau đây là hình ảnh các buổi sinh hoạt chuyên môn tháng 3/2018