Tính tự chủ của người học – tiền đề để sinh viên phát triển thái độ tích cực trong học tập và công việc không phải là một vấn đề mới lạ trong giáo dục. Hiện nay, ngành giáo dục Việt Nam nói chung, các trường đại học nói riêng đang tích cực triển khai các mô hình và phương pháp giảng dạy; qua đó giúp cho người học phát triển thái độ tích cực và thói quen tự chủ của bản thân. Tuy nhiên, khi bàn về phương pháp và kinh nghiệm trong việc xây dựng thái độ tích cực và tính tự chủ cho người học trong những môn học hoặc kỹ năng cụ thể vẫn chưa có nhiều nghiên cứu đề cập vấn đề này một cách toàn diện. Nhằm tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn giữa các giảng viên về vấn đề nâng cao tính tự chủ và thái độ tích cực của người học trong các môn học Tiếng Anh, ngày 18/4/2019, Bộ môn Tiếng Anh Cơ sở II đã tổ chức buổi Sinh hoạt chuyên môn về các chủ đề: “Nâng cao tính chủ động của người học trong giảng dạy Kỹ năng Viết luận trong Tiếng Anh” & “Áp dụng văn hóa Nhật bản vào giảng dạy Tiếng Anh”
Tại buổi sinh hoạt đầu tiên, báo cáo viên Ths Nguyễn Thị Hải Thúy đã nhấn mạnh kỹ năng Viết luận là một trong những kỹ năng thử thách nhất trong dạy và học Tiếng Anh. Kỹ năng Viết luận đòi hỏi ở người học rất nhiều thời gian để luyện tập so với các kỹ năng khác. Đồng thời, giảng viên giảng dạy cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thiết kế các hoạt động trong lớp. Bởi lẽ, phát hiện lỗi sai trong bài viết luận của sinh viên là một việc làm không khó đối với giảng viên, nhưng việc giúp sinh viên nhận biết và từ đó khắc phục, sửa chữa những lỗi sai thực sự là công việc vất vả. Ở bậc đại học, yêu cầu về kỹ năng Viết luận khá cao; sinh viên, kể cả những sinh viên khá và giỏi cũng gặp khó khăn để có một bài viết chuẩn về hình thức và hay về nội dung. Ở trường đại học Ngoại thương, sinh viên thường gặp nhiều lỗi sai trong Viết luận, đặc biệt là lỗi sai ngữ pháp và chưa nhận biết sự khác nhau giữa Văn nói và Văn viết, vốn từ vựng chưa được nhiều, cấu trúc câu viết còn đơn điệu. Phát huy tính tích cực và chủ động là một nội dung rất quan trọng trong giảng dạy Tiếng Anh hiện nay nói chung và giảng dạy các môn học cụ thể nói riêng, trong đó có giảng dạy kỹ năng Viết. Đây là một bước tạo đà quan trọng để người học hoàn thiện các kỹ năng Tiếng Anh của mình.
Tại buổi sinh hoạt chuyên môn thứ hai, Ths Đỗ Anh Thư cho rằng theo mô hình 3P (Position, Performance, People), khả năng và cơ hội để sinh viên có được việc làm tốt sau khi ra trường không chỉ phụ thuộc vào trình độ, khả năng mà phần nhiều còn phụ thuộc vào thái độ khi làm việc. Vì vậy trong quá trình dạy học, dù giảng viên giảng dạy môn chuyên ngành hay môn kỹ năng như Tiếng Anh thì việc lồng ghép các kỹ năng mềm và định hướng cho người học về thái độ và tính tích cực, chủ động khi làm việc là rất cần thiết. Trong quá trình học Keijuku, báo cáo viên đã có nhiều cơ hội tìm hiểu về Văn hoá Nhật bản với một số điểm nổi bật có thể ứng dụng trong việc tạo cho sinh viên thói quen và nhận thức tích cực trong mỗi một công việc dù là nhỏ nhất. Giá trị của những hành động có thể nhỏ nhưng kết quả mang lại sẽ rất cao trong học tập lẫn công việc sau này như: tính kỷ luật đúng giờ, sự chân thành, cắt giảm lãng phí, áp dụng Mô hình 5S vào công việc (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng), sự cần thiết của thay đổi (về tâm, thái độ, hành vi, thói quen, nhân cách, số phận, thói quen, cuộc đời).
Kết luận tại buổi sinh hoạt chuyên môn, đại diện Ban Chủ nhiệm Bộ môn Tiếng Anh Ths Trịnh Ngọc Thanh đã có những đánh giá tổng thể về nội dung sinh hoạt và nhấn mạnh rằng từ những nội dung chia sẻ của các báo cáo viên, các giảng viên sẽ linh hoạt thông qua các hoạt động thiết kế trong giờ học tăng cường hơn nữa thái độ tích cực và chủ động của sinh viên Cơ sở II trong học tập và công việc.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Buổi sinh hoạt chuyên môn: